Cách tính Thuế thu nhập doanh nghiệp & hạch toán Thuế TNDN

logo
Cách tính Thuế thu nhập doanh nghiệp & hạch toán Thuế TNDN
05/07/2024 09:03 AM 28 Lượt xem

    1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

    Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu, tính trên phần thu nhập chịu thuế của tổ chức, doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động chuyển nhượng và các hoạt động khác trong kỳ tính thuế.

    2. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

    Đối tượng nộp thuế TNDN là các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế đều phải có nghĩa vụ nộp thuế TNDN bao gồm:

    • Doanh nghiệp thành lập trong nước theo pháp luật Việt Nam;

    • Doanh nghiệp nước ngoài có sơ sở thường trú hoặc không thường trú tại Việt Nam;

    • Các cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài thường trú tại Việt Nam;

    • Các tổ chức hành chính sự nghiệp, hợp tác xã;

    • Các tổ chức khác…

    Lưu ý: Trừ một số trường hợp không thuộc diện nộp thuế TNDN theo quy định như: hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, hợp tác xã sản xuất có thu nhập từ sản phẩm mặt hàng về nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...

    3. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

    Kỳ tính thuế TNDN được xác định dựa trên năm dương lịch hoặc năm tài chính:

    • Năm dương lịch được bắt đầu từ ngày 01/01 đến 31/12 của năm đó;

    • Năm tài chính là năm có khoảng thời gian tương đương 12 tháng và bắt đầu từ ngày 01 đầu quý của năm đó.

    Đối với doanh nghiệp mới thành lập có kỳ tính thuế năm đầu tiên và doanh nghiệp có kỳ tính thuế năm cuối cùng khi chuyển đổi loại hình, hình thức sở hữu, hoặc sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, phá sản, giải thể có thời gian ngắn hơn 3 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo để hình thành một kỳ tính thuế TNDN. Kỳ tính thuế TNDN năm đầu tiên hoặc cuối cùng không vượt quá 15 tháng.

    Kỳ tính thuế TNDN đối với doanh nghiệp nước ngoài

    Kỳ tính thuế TNDN theo từng lần phát sinh áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam khi có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản này không liên quan đến hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.

    Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

    • Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 trong năm dương lịch kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp tiền thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp tiền thuế sẽ được tính dời vào ngày làm việc tiếp theo;

    • Thời hạn nộp tiền thuế TNDN cũng là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, riêng thời hạn nộp tiền thuế TNDN tạm tính thì doanh nghiệp phải nộp đủ 75% số thuế phát sinh phải nộp (hạn nộp cùng hạn với báo cáo thuế quý 3 trong năm).

    4. Hướng dẫn cách hạch toán, cách tính thuế TNDN

    4.1  Đối với doanh nghiệp không xác định rõ chi phí trong kỳ tính thuế
    Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không phải là doanh nghiệp hoạt động và thành lập theo pháp luật Việt Nam quy định, doanh nghiệp nộp thuế GTGT có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo phương pháp trực tiếp phát sinh thu nhập chịu thuế TNDN mà các đơn vị này không xác định được chi phí nhưng xác định được doanh thu thì thu nhập của hoạt động kinh doanh phải kê khai và tính theo tỷ lệ % trên doanh thu khi nộp thuế TNDN.

    Công thức tính thuế TNDN 

    Thuế TNDN phải nộp = Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ x Thuế suất thuế TNDN

    Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu

    Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 quy định về thuế suất thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu như sau:

    Ngành nghề Tỷ lệ
    Hoạt động dịch vụ (Gồm lãi cho vay, lãi tiền gửi) 5%
    Kinh doanh hàng hóa 1%
    Hoạt động khác 2%

    4.2. Đối với doanh nghiệp xác định rõ chi phí trong kỳ tính thuế

    ➤ Công thức tính thuế TNDN

    Thuế TNDN = [Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)] x Thuế suất thuế TNDN

    4.2.1. Phần trích lập quỹ Khoa học & Công nghệ (KH&CN)

    Theo Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC, ngày 28/06/2016 của Bộ Khoa học & Công nghệ quy định về đối tượng áp dụng bao gồm: các doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước khác có liên quan.

    ➤ Quy định trích lập quỹ KH&CN

    Quỹ có thể tổ chức dưới 2 hình thức là thành lập tổ chức không có tư cách pháp nhân; trực thuộc doanh nghiệp và không thành lập tổ chức quỹ;
    Hình thức tổ chức quỹ do cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định;
    Hằng năm doanh nghiệp phải lập báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng quỹ.
    ➤ Mức trích lập quỹ KH&CN

    Đối với doanh nghiệp nhà nước: từ 3% đến 10%;
    Đối với doanh nghiệp khác: tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế TNDN trong kỳ.
    4.2.2. Thu nhập tính thuế TNDN

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được tính như sau:

    Thu nhập tính thuế = Khoản thu nhập chịu thuế - (Khoản thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)

    Lưu ý: Nếu thu nhập tính thuế bé hơn hoặc bằng 0 thì không phải nộp thuế TNDN.

    4.2.3. Thu nhập chịu thuế TNDN

    Theo Điều 2 Thông tư 96/2015/TT-BTC, thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

    Thu nhập chịu thuế TNDN = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

    4.2.4. Quy định về mức thuế suất thuế TNDN

    Các ngành nghề có thuế suất không đổi đến thời điểm hiện tại theo Thông tư 123/2012/TT-BTC được ký ngày 27/07/2012:

    Thuế suất 32% - 50% áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam về lĩnh vực thăm dò, khai thác tìm kiếm dầu khí;
    Thuế suất 40% áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động thăm dò, khai thác tìm kiếm các mỏ tài nguyên quý hiếm như vàng, bạc, thiếc, wolfram, antimoan, đá quý, bạch kim, đất hiếm (trừ dầu khí);
    Thuế suất 50% áp dụng đối với các mỏ, tài nguyên quý hiếm ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

    5. Hướng dẫn cách hạch toán thuế TNDN
    Khi tính thuế TNDN:
    Nợ TK 821 - Chi phí thuế TNDN;

    Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.

    Khi nộp tiền thuế TNDN vào Ngân sách Nhà nước:
    Nợ TK 3334 - Thuế TNDN;

    Có TK 111, 112.

    Cuối năm, khi xác định số thuế TNDN phải nộp của năm tài chính:

    • Nếu số thuế TNDN thực tế phải nộp nhỏ hơn số thuế TNDN tạm nộp hàng quý trong năm, thì ghi số chênh lệch như sau:

    Nợ TK 3334 - Thuế TNDN;

    Có TK 821 - Chi phí thuế TNDN (8211).

    • Nếu số thuế TNDN thực tế phải nộp lớn hơn số thuế TNDN tạm nộp hàng quý trong năm, thì số chênh lệch phải nộp thiếu, ghi như sau:

    Nợ TK 821 - Chi phí thuế TNDN (8211);

    Có TK 3334 - Thuế TNDN.

    •  Khi thực nộp số chênh lệch thiếu về TNDN và Ngân sách Nhà nước, ghi:

    Nợ TK 3334 - Thuế TNDN;

    Có TK 111, 112.

    Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:

    •  Nếu TK 8211 có số phát sinh nợ lớn hơn số phát sinh có thì số chênh lệch, ghi:

    Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh;

    Có TK 8211 (chi phí thuế TNDN hiện hành).

    •  Nếu TK 8211 có số phát sinh nợ nhỏ hơn số phát sinh có thì số chênh lệch, ghi:

    Nợ TK 8211 - Chi phí thuế TNDN hiện hành;

    Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN
    Zalo
    Hotline